Mô hình bong bóng chống Covid-19
"Bong bóng" là thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm người hay quốc gia thấy thoải mái khi tiếp xúc, giao lưu với nhau trong đại dịch Covid-19.
Ý tưởng đặt ra là bạn có thể mở rộng "bong bóng" của mình với một số đối tượng nhất định để gia tăng tương tác vượt khỏi phạm vi ban đầu, trong khi vẫn hạn chế được nguy cơ lây truyền nCoV. Điều này không có nghĩa là bạn thoải mái ra ngoài và nối lại liên lạc, tiếp xúc với tất cả những ai bạn biết mà chỉ giới hạn ở một số cá nhân đáp ứng những điều kiện nhất định.
Tại New Zealand và Anh, mô hình bong bóng khá được khuyến khích. Theo một nghiên cứu hồi năm ngoái ở Anh, "bong bóng xã hội có thể là cách hiệu quả để mở rộng liên hệ ra ngoài phạm vi hộ gia đình mà vẫn hạn chế nguy cơ lây nhiễm nếu được quản lý hợp lý".
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Debbie Goff, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm kiêm giáo sư dược tại Trung tâm Y tế Wexner thuộc Đại học bang Ohio, mô hình bong bóng vẫn tiềm ẩn những rủi ro bởi khi ta tương tác với nhiều người hơn, tỷ lệ nhiễm virus cũng tăng theo.
"Rủi ro không chỉ xảy ra với riêng bạn", tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Mỹ, nhấn mạnh. "Bởi nếu nhiễm virus, bạn sẽ trở thành một mắt xích lây truyền".
Vì vậy, để áp dụng mô hình bong bóng an toàn ở quy mô hộ gia đình, các chuyên gia đã đưa ra một số khuyến nghị.
Đầu tiên, mọi thành viên trước khi tạo thành bong bóng cần biết rõ về tình trạng sức khỏe của nhau, đặc biệt là các bệnh lý nền như tiểu đường, hen suyễn hay huyết áp cao khiến họ dễ bị nhiễm virus và bệnh dễ trở nặng hơn, tiến sĩ Goff lưu ý.
Mặt khác, các quy định áp dụng trong bong bóng cũng cần được xây dựng rõ ràng và tuân thủ nghiêm ngặt, theo tiến sĩ Amanada Castel, giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Viện Milken, Đại học George Washington.
"Bạn cần biết những biện pháp phòng ngừa mà mọi người đã và đang thực hiện, như đeo khẩu trang, ở trong nhà và vệ sinh tay tốt. Thông báo cụ thể cho những người khác về nơi bạn đã đến hay sự kiện mà bạn đã tham gia, như một cuộc biểu tình", Castel nói. "Hãy suy nghĩ về những gì bạn có thể làm để giảm thiểu rủi ro khi gặp mặt. Ví dụ, bạn có thể hạn chế di chuyển và tự cách ly một khoảng thời gian trước khi gặp những người khác".
"Nếu thấy ai đó đăng lên mạng xã hội rằng họ sẽ tham gia các bữa tiệc hay nhóm đông người hoặc không đeo khẩu trang khi ra ngoài, bạn không nên thiết lập bong bóng với họ", tiến sĩ Goff cho hay.
Dù có những rủi ro và hạn chế nhất định, mô hình bong bóng từng được một số nước thực hiện. Nó còn được mở rộng ra áp dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau ngoài tương tác xã hội thông thường, như sản xuất, du lịch hay cả thể thao.
Tại Olympic Tokyo 2020 vừa qua, theo giới chuyên gia, hệ thống bong bóng đã góp phần bảo vệ hữu hiệu cho các vận động viên trong bối cảnh Nhật Bản phải đối diện với một đợt bùng phát Covid-19 mới nghiêm trọng.
Trước khi Thế vận hội khai mạc, nhiều nhà khoa học đã cảnh báo Olympic có thể tạo ra các ổ dịch lớn làm lây lan virus ra cộng đồng dân cư nói chung. Đây là rủi ro luôn đi kèm khi tổ chức các sự kiện quốc tế lớn giữa đại dịch. Nhưng thực tế cho thấy, Nhật Bản dường như đã kiểm soát tốt tình hình.
"Quy trình xét nghiệm và mô hình bong bóng đã hoạt động tốt", Amesh Adalja, học giả tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins kiêm bác sĩ về bệnh truyền nhiễm, hồi tuần trước nhận xét. "Vì ban tổ chức không bắt buộc tiêm phòng như một điều kiện tham gia và những người chưa tiêm chủng vẫn được hoan nghênh nên số ca nhiễm là nằm trong dự kiến", ông nói.
Theo số liệu của ban tổ chức, từ 1/7 đến 11/8, Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 511 ca Covid-19 liên quan đến Olympic, trong đó có 29 vận động viên.
Bên trong "bong bóng Olympic", một chuỗi các biện pháp được thực hiện nhằm tách vận động viên, người tham gia khỏi công chúng. Vận động viên không được phép rời khỏi nơi lưu trú và địa điểm thi đấu. Họ cũng chỉ được sử dụng phương tiện di chuyển dành riêng cho Olympic và dành thời gian với những người có tên trong danh sách liên hệ nộp lên ban tổ chức từ trước. Mặt khác, họ luôn phải giữ khoảng cách ít nhất hai mét với truyền thông.
Các vận động viên và quan chức thể thao nước ngoài đến Nhật Bản từ tháng trước được yêu cầu xét nghiệm Covid-19 hai lần trong vòng 96 tiếng trước khi chuyến bay của họ khởi hành, tiếp tục xét nghiệm thêm một lần nữa khi tới nơi và cách ly trong ba ngày đầu. Vận động viên phải xét nghiệm hàng ngày trong thời gian ở Nhật Bản và rời đi trong 48 tiếng sau khi môn thi của họ kết thúc.
"Thay vì đánh giá xem những con số quá cao hay quá thấp, quan điểm của tôi bây giờ là hệ thống kiểm soát virus đang phát huy tác dụng", Toshio Takatorige, giáo sư y tế công cộng tại Đại học Kansai ở Osaka, cuối tháng trước nói.
Bên cạnh thể thao, "bong bóng du lịch" cũng là khái niệm được không ít nước đề cập đến và cân nhắc áp dụng. Nó xuất hiện lần đầu trong một hội thảo bàn về khôi phục ngành du lịch giữa Australia và New Zealand vào tháng 4/2020.
Bong bóng du lịch là một thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều nước nhằm mở cửa biên giới cho du lịch mà không cần áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt. Nhìn chung, nó thường được thiết lập giữa các chính phủ gần gũi và tin tưởng lẫn nhau, tin rằng đôi bên đều đang kiểm soát tốt dịch bệnh.
Australia và New Zealand hồi tháng 4 thiết lập bong bóng du lịch khi tình hình dịch bệnh ở hai nước có chiều hướng lắng dịu. Tuy nhiên, họ quyết định "phá bong bóng" hôm 22/7 khi Australia đối diện đợt bùng phát dịch mới do biến chủng Delta gây ra và phải tái áp đặt phong tỏa ở nhiều nơi.
Singapore, một trong những nước đầu tiên bắt đầu tiêm chủng hồi tháng 12 năm ngoái, đang tìm cách cho phép du lịch miễn cách ly bắt đầu từ tháng 9 năm nay. Đây sẽ là lần đầu tiên quốc đảo này mở lại biên giới kể từ khi phải đóng cửa vì dịch bùng phát và bong bóng du lịch sẽ là tiền đề quan trọng cho bước đi trên.
Singapore từng lên kế hoạch mở bong bóng du lịch với Hong Kong nhưng bị trì hoãn nhiều lần vì các đợt bùng phát mới trong những tháng qua.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 47 tại Anh hồi tháng 6, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã gợi ý về khả năng mở bong bóng du lịch với Australia. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán nhằm thúc đẩy kế hoạch này chỉ có thể diễn ra khi phần lớn dân số của cả hai quốc gia đều được tiêm chủng.
Thực tế cho thấy và cũng theo các chuyên gia y tế, không gian làm việc là một trong những nơi dễ lây lan virus nhất.
"Những doanh nghiệp thiết yếu được phép mở cửa, trong nhiều trường hợp, lại là tác nhân khiến dịch lây lan liên tục", các nhà nghiên cứu từ Đại học Calgary mới đây viết trong một bài phân tích được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada. "Những nhà máy có nhân viên làm việc ở khoảng cách gần đặc biệt dễ bị ảnh hưởng. Điều này không chỉ gây rủi ro cho sức khỏe và sự an toàn của lực lượng lao động mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng và các doanh nghiệp hạ nguồn (chế biến, lắp ráp...)".
Vì thế, các nhà nghiên cứu đã đề xuất một giải pháp giúp nơi làm việc trở nên an toàn hơn có thể được gọi là "bong bóng lao động", ở đó, nhân viên được chia thành các nhóm và hoàn toàn không tương tác với đồng nghiệp bên ngoài nhóm của họ. Nếu một người nhiễm nCoV, toàn bộ bong bóng liên quan đến người đó sẽ được cách ly tại nhà.
Cơ sở đề xuất chiến lược này bắt nguồn từ việc nó đã được áp dụng tại Bombardier Aviation, một công ty chế tạo máy bay có 22.000 nhân viên thuộc 7 nhà máy trên 4 bang của Canada và Mỹ.
Công ty báo cáo ca Covid-19 đầu tiên hồi tháng ba tại một nhà máy sản xuất có 900 lao động, dẫn đến việc nó phải đóng cửa.
"Vì chế tạo máy bay là hoạt động kinh doanh có thời gian dài và cần đầu tư đáng kể để vận chuyển hàng tồn kho nên việc giảm thời gian chu kỳ sản xuất là rất quan trọng", các nhà nghiên cứu từ Đại học Calgary viết. "Điều này thường được thực hiện bằng cách phân bổ nhiều lao động làm việc theo ca dày đặc, khiến đảm bảo khoảng cách trở thành một thách thức".
Cách giải quyết của Bombardier là cho tất cả đội ngũ nhân viên văn phòng làm việc tại nhà. Phần còn lại của lực lượng lao động, về cơ bản là đội ngũ công nhân, chuyển sang áp dụng mô hình bong bóng, dựa trên một số quy tắc.
"Các bong bóng chức năng" nên có số lượng lao động được yêu cầu để hoàn thành công việc thấp nhất. "Bong bóng lao động" nên được thiết kế sao cho mọi hoạt động vẫn có thể tiếp diễn ngay cả khi bất kỳ bong bóng nào bị loại khỏi lực lượng lao động. Các bong bóng nên tách biệt với nhau một cách chặt chẽ về không gian, thời gian hoặc cả hai nhằm ngăn chặn hiệu quả nguy cơ lây nhiễm. Chia ca làm việc luân phiên và khử khuẩn không gian làm việc chung sau mỗi ca là yêu cầu tối quan trọng.
Bombardier cũng sắp xếp thời gian ra vào nơi làm việc của nhân viên để không có hai nhóm nào xuất hiện cùng lúc ở cùng một địa điểm, đồng thời giới hạn việc tiếp cận các khu vực chung như phòng thay đồ hay nhà ăn. Bên cạnh đó, các lãnh đạo công ty không quên nhắc nhở thường xuyên nhân viên tuân thủ quy tắc bằng nhiều hình thức khác nhau.
"Mệt mỏi vì luôn phải cảnh giác hay mệt mỏi vì cách ly là điều hoàn toàn có thật, vậy nên mô hình bong bóng cần cân nhắc tính khả thi, hợp lý và bền vững", Melissa Hawkins, nhà dịch tễ học tại Đại học Mỹ, bình luận. "Thiết lập bong bóng là một cách tiếp cận trung gian giúp mở rộng tương tác xã hội và kiểm soát rủi ro bằng cách hạn chế tiếp xúc".
Tạo bong bóng là một cách làm đơn giản về mặt lý thuyết song phức tạp về mặt thực tiễn, đòi hỏi sự trao đổi liên tục và chi tiết giữa các thành viên trong cùng một nhóm và giữa các nhóm khác nhau, chuyên gia nhấn mạnh.
"Về cơ bản, việc triệt tiêu hoàn toàn các rủi ro là điều không thể", Tara Kirk Sell, giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Bloomberg thuộc Đại học Johns Hopkins, lưu ý. "Để có một phản ứng phù hợp với Covid-19, điều quan trọng là chúng ta phải định hình được những rủi ro đối với bản thân ta và rủi ro ta mang lại cho mọi người xung quanh, đặt trong bối cảnh những ưu tiên và hoàn cảnh của riêng ta".
No Comment to " "